Lựa chọn công việc như thế nào để mang đến sự thành công trong tương lai
Trở thành nhà quản lý cấp trung
Hiện nay, vẫn còn quan niệm cho rằng chỉ cần thạo việc là nhân viên sẽ được cất nhắc lên vị trí quản lý, rồi từ vị trí quản lý sơ cấp nâng dần lên trung cấp và cao cấp. Thật ra, có một thực tế mà ít người nhận ra là: quản lý và chuyên môn là 2 khái niệm không nhất thiết phải đi cùng nhau. Yếu tố mà một nhà quản lý cần là kỹ năng lãnh đạo, quản trị con người chứ không hẳn là những yếu tố về chuyên môn, nghiệp vụ. Người lãnh đạo giỏi là người biết dùng đúng người cho đúng việc, trong một số trường hợp, người lãnh đạo sẽ là “nhân viên” thừa hành để hướng tới mục đích cao nhất là công việc đạt được hiệu quả như mong muốn.
|
Trong khi nhà quản lý trung cấp chủ yếu chỉ cần khả năng theo dõi công việc và quản lý nhân viên thật tốt để thực hiện các kế hoạch theo đúng lịch trình đã được đặt ra thì nhà quản lý cấp cao cần có nghệ thuật thúc đẩy tinh thần làm việc của toàn bộ nhân viên, tạo sự đổi mới mang tính đột phá trong công việc, lập chiến lược, quyết đoán và linh hoạt trong xử lý công việc. Họ cần nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh cũng như dự đoán trước cả những khả năng có thể xảy ra, vì những quyết định của họ không đơn thuần nằm trong một nhóm hoặc một dự án mà nó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ doanh nghiệp cũng như sự tồn tại của doanh nghiệp này.
Chuyên gia hay chủ doanh nghiệp
Ở một khía cạnh khác, các vị trí chuyên gia như nhà nghiên cứu, cố vấn, chuyên viên… cũng đang là những vị trí được các doanh nghiệp săn đuổi và các bạn trẻ hướng tới. Yếu tố quan trọng nhất mà một chuyên gia phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn sâu rộng. Ngoài ra, việc luôn cập nhật thông tin mới, khả năng tự nghiên cứu để nâng cao kỹ năng kiến thức và việc thành thạo những kỹ năng mềm như giao tiếp, trình bày và thuyết phục là “bộ đồ nghề” không thể thiếu với những người quyết định hướng sự nghiệp của mình theo con đường làm về chuyên môn.
Một lựa chọn khác cho các bạn trẻ là làm chủ doanh nghiệp. Để có thể tự thành lập một công ty riêng, ngoài am hiểu về thị trường mình muốn kinh doanh, có năng lực lãnh đạo, có kiến thức nền tốt, bạn còn phải là mẫu người nhạy bén và dám mạo hiểm, biết quản lý rủi ro và những thay đổi ngoài dự tính. Thực tế chứng minh rằng rất nhiều công ty đã phải giải tán chỉ vì lãnh đạo chưa có nhiều kinh nghiệm nên sản phẩm, dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu thị trường hoặc vì lãnh đạo không chuyên nghiệp trong quản lý nhân sự nên khiến nội bộ mất đoàn kết dẫn đến tan rã. Làm chủ doanh nghiệp thực chất là bạn đang “làm thuê” cho chính bạn nên nếu muốn dấn thân theo con đường này, hãy chắc rằng trước khi làm chủ bạn đã là một người “làm thuê” xuất sắc.
Leave a Reply